Lịch sử cổ đại Phấn_phủ

Ai Cập

Một lọ mỹ phẩm bằng đá được khai quật từ di tích của người Ai Cập cổ đại.

Di tích khảo cổ học và phân tích hóa học cho biết việc sử dụng phấn phủ có niên đại từ năm 2000 đến 1200 trước Công nguyên và bao gồm thành phần là sợi chì, một thành phần mỹ phẩm phổ biến được sử dụng ở Ai Cập cổ đại.[4] Những chiếc lọ kohl chứa bút kẻ mắt cũng như hộp đá chứa phấn phủ phát hiện ra trong các ngôi mộ chứng tỏ niềm tin rằng người Ai Cập cổ đại sẽ sở hữu vẻ đẹp vĩnh hằng ở thế giới bên kia.[4] Đàn ông và phụ nữ đã sử dụng phấn má hồng dạng bột làm từ đất son đỏ phủ lên má.[5] Cleopatra có ảnh hưởng sâu sắc đến tiêu chuẩn vẻ đẹp của người Ai Cập cổ đại với phong cách trang điểm đặc biệt, tạo cảm hứng cho người Ai Cập cổ đại vẽ mắt bằng phấn xanh lá và xanh lam.[6] Phấn phủ cũng được xem là có công dụng y học để bảo vệ con người khỏi bệnh tật.[4]

Hy Lạp

Các xu hướng làm đẹp của người Ai Cập cổ đại đã lan truyền khắp Địa Trung Hải và ảnh hưởng đến thói quen thẩm mỹ ở Hy Lạp. Sử dụng các thành phần tương tự, người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng chu sa như một loại phấn má dạng bột cho khuôn mặt cũng như làm sáng da bằng chì trắng.[5] Ước muốn có làn da trắng đại diện cho ý tưởng xã hội về chủng tộc thượng đẳng, màu da cũng áp đặt sự khác biệt giới tính vì thời cổ đại, da của phụ nữ trắng hơn nam giới do có ít hemoglobin hơn.[5] Dấu hiệu của người thuộc tầng lớp thượng lưu là làn da trắng, không tỳ vết, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giống như cuộc sống của phụ nữ quyền quý thường chỉ ở trong nhà. Người ta phát hiện ra dấu vết của phấn làm sáng da mặt làm từ chì trắng từ mộ của phụ nữ Hy Lạp quyền quý cổ đại.[7] Thành phố Athen gần các mỏ Laurion, từ đó người Hy Lạp đã khai thác một lượng lớn bạc và thu được rất nhiều của cải thông qua thương mại. Chì trắng được tìm thấy trong mỏ như phụ phẩm của bạc,[8] từ đó người Hy Lạp cổ đại đã sản xuất phấn phủ mặt. Sử dụng phấn phủ cũng xuất hiện trong tác phẩm của các nhà văn Hy Lạp cổ đại. Nhà văn và nhà sử học Xenophon viết về người phụ nữ "thoa chì trắng để khuôn mặt trông trắng hơn"[9] trong cuốn sách Oeconominicus của ông. Nhà thơ Hy Lạp cổ đại Eubulus trong vở kịch Stephanopolides đã so sánh phụ nữ thuộc tầng lớp thấp với tầng lớp cao, tuyên bố rằng phụ nữ nghèo "không được trát chì trắng".[10] Dù biết rằng chì trắng là chất độc, nhưng người Hy Lạp cổ đại vẫn không nản lòng khi thoa phấn phủ lên mặt do tiêu chuẩn làm đẹp của họ.[11]

La Mã

Người La Mã cổ đại thoa phấn phủ mặt tập trung vào lý tưởng của người La Mã về tiêu chuẩn nữ tính và sắc đẹp, thể hiện dấu hiệu của tình trạng xã hội và sức khỏe.[12] Phụ nữ La Mã khao khát có làn da trắng ngần và mong muốn này cũng thường được thể hiện trong thơ của nhà thơ La Mã cổ đại Ovid.[2] Lọ thủy tinh nhỏ và cọ trang điểm tìm thấy từ các di tích khảo cổ cho thấy cách họ lưu trữ và sử dụng phấn phủ.[13] Các nhà thơ La Mã cổ đại JuvenalMartial đề cập đến quý cô tên "Chione" trong tác phẩm của họ, nghĩa đen được dịch là "tuyết" hoặc "lạnh",[12] đề cập đến làn da trắng mịn mà phụ nữ La Mã cổ đại mong muốn. Làm trắng da cũng như chống nắng được tiến hành bằng cách thoa phấn phủ dưới dạng cerussa, một hỗn hợp chì trắng và giấm.[12] Phụ nữ La Mã mong muốn che đi khuyết điểm và tàn nhang, cũng như làm mịn da bằng cách sử dụng loại phấn này. Đá phấn cũng được sử dụng để làm trắng da, cũng như bột tro và nghệ tây trên mắt.[13]

Trung Quốc

Phụ nữ Trung Quốc cổ đại mong muốn có làn da trắng để làm đẹp cũng như sử dụng phấn phủ có từ thời Xuân Thu từ năm 770-476 trước Công nguyên.[14] Một dạng phấn phủ cổ xưa được chế biến bằng cách xay gạo mịn rồi đắp lên mặt.[15] Ngoài ra, ngọc trai còn được nghiền nát để tạo ra bột ngọc trai giúp cải thiện sắc mặt và cũng được dùng làm thuốc chữa các bệnh về mắt, mụn trứng cábệnh lao.[16] Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã sử dụng bột ngọc trai để duy trì làn da rạng rỡ.[17] Chì cũng là thành phần phổ biến trong phấn phủ và vẫn được ưa chuộng vì đặc tính làm trắng da của nó.[15]